Tôm thẻ chân trắng (Vannamei) ngày càng được nuôi nhiều ở Việt nam vì một số ưu điểm của giống tôm này như thời gian nuôi đến khi xuất bán ngắn, năng xuất cao, dễ nuôi trong nhiều khu vực sinh địa lý khác nhau...
Đặc điểm sinh học của tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ được định danh vào năm 1931 với tên là Litopenaeus vannamei - tôm thẻ chân trắng, tôm chân trắng.
Tôm chịu đựng tốt với độ mặn rộng (0-35ppt) nên có khả năng nuôi sâu trong đất liền ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm.
Tôm thẻ lớn nhanh, chu kỳ lột xác ngắn nên cần nhu cầu khoáng rất cao, là loài hay hoạt động và bơi ngược dòng nước. Tôm thẻ sống tất cả các tầng nước, ăn được nhiều loại thức ăn (thức ăn nhân tạo, phiêu sinh vật và cả chất cặn bã) và ăn liên tục.
Trong dinh dưỡng của tôm thẻ, quan trọng nhất chính là nhu cầu khoáng chất, đặc biệt là Magnesium (Ma-giê) với nhu cầu gấp ba lần nhu cầu canxi. Nhu cầu thiết yếu tiếp theo là oxy hòa tan (DO), với tôm thẻ mức tối thiểu là 4ppm, thấp hơn tôm sẽ ăn ít và chậm lớn.
Con giống
Trong nuôi tôm thì mọi thứ đều bắt đầu từ con giống, giống tôm bắt buộc phải sạch bệnh (SPF), nếu có giống kháng bệnh thì càng tốt. Người nuôi nên chọn con giống PL12 (ấu trùng 12) khi mang đã phát triển đầy đủ. Nên thử PCR sau khi sốc bằng nước ngọt.
Lưu ý: không thử PCR sau khi sốc bằng formol vì ảnh hưởng đến độ chính xác
Chuẩn bị ao
Các yêu cầu kỹ thuật giống như nuôi tôm sú.
- Mật độ thả: 100 - 250 PL/m2. Việc thả tôm phải được thực hiện lúc sáng sớm sau khi bảo đảm các thông số kỹ thuật.
-Thả tôm trước 7g sáng, sau khi tôm làm quen với điều kiện nước trong ao
- DO (oxy hòa tan): > 4 ppm
- pH: 7,2 - 7,8
- Kiềm: 100 - 150 ppm
- Độ cứng (CaCO3): 120 - 150 ppm
- Độ mặn: > 3 ppt
- Độ trong: 30 - 40cm
- Gây màu nước bằng các chế phẩm sinh học để tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm thẻ trong giai đoạn đầu là rất quan trọng vì tôm có khả năng dùng nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt. Có thể sử dụng Bio- Marine để gây màu nuớc ao.
Sự quan trọng của oxy hòa tan và dòng chảy
Đối với tôm thẻ, oxy hòa tan phải luôn trên 4ppm đo tại đáy ở giữa ao. Muốn đạt điều đó, công suất quạt nước phải đảm bảo 1 mã lực cho 500 kg tôm trong ao, quạt nước phải kết hợp giữa dạng mái chèo (tạo dòng chảy) và dạng lông nhím (tạo oxy).
Chất lượng nước nên được quản lý bằng các chế phẩm sinh học giúp giảm nồng độ vi khuẩn có hại, loại bỏ các khí độc trong nước, chăm sóc nền đáy. Nên dùng Eco Marine từ đầu vụ nuôi để duy trì chất lượng nước ao và nền đáy ao.
Quản lý thức ăn
Trong quản lý nuôi, cho ăn và quản lý thức ăn là vấn đề then chốt.
Thức ăn tôm thẻ có hàm lượng đạm thấp hơn so với tôm sú, khoảng 34 - 38%.
Trong 20 ngày đầu cho ăn 4 lần/ ngày, không kiểm tra nhá, lượng cho ăn khuyến cáo như sau:
Giai đoạn | Lượng cho ăn với 100.000PL |
Bắt đầu | 1,5 - 2kg |
Ngày 1-7 | 1,7 - 2,2kg |
Ngày 7-14 | 2,2 - 2,7kg |
Ngày 14-20 | 3,2 - 3,7kg |
Ngày thứ 20 tăng lên 5 lần cho ăn mỗi ngày, bắt đầu kiểm tra nhá. Từ ngày 20 trở đi, lượng cho ăn theo nhu cầu tôm.
Lưu ý:
- Nhá cho ăn đặt ngay vào ao trong ngày đầu tiên thả tôm.
- Kiểm tra nhá xong đặt xuống ao liền.
- Tránh tối đa thay đổi môi trường sống của tôm.