Anh Dương Chí Tâm hỏi: Mô hình quảng canh cải tiến là như thế nào, khâu chuẩn bị ao, con giống và chăm sóc, xử lý như thế nào khi tôm bị bệnh?
Anh Dương Chí Tâm thân mến!
Nuôi tôm hiện nay đang áp dụng rất nhiều hình thức nuôi, tuỳ điều kiện kinh tế, quỹ đất, điều kiện tự nhiên vùng (nguồn nước, thổ nhưỡng…) mà quyết định nuôi theo hình thức nào cho phù hợp. Nuôi quảng canh cải tiến có 2 dạng: Một là nuôi chuyên tôm, thông thường hình thức này nuôi ở những ao nuôi thâm canh nhưng vì điều kiện kinh tế nên nuôi ở mật độ thấp hơn (dưới 10 con/m2) và cho ăn bổ sung thức ăn công nghiệp ở 2 tháng cuối. Hai là nuôi kết hợp tôm – cua – cá, tuỳ vào lượng thức ăn tự nhiên có trong ao mà người nuôi phân bố tỉ lệ mật độ thả các đối tượng cho phù hợp, thông thường loại này nuôi ở quy mô diện tích lớn (từ 1 ha trở lên), mật độ tôm 3 – 5 con/m2, cua 1 con/10m2, cá các loại 1 con/m2. Nguyên tắc thả giống: thả tôm trước sau đó tới cua và cá, khoảng cách thả 20 – 30 ngày, cá có thể thả cùng với cua.
Chuẩn bị ao:
- Nuôi trên diện tích ao nhỏ và chuyên tôm thì khâu cải tạo giống như nuôi công nghiệp, còn với diện tích lớn hơn thông thường là bừa trục, hoặc tháo cạn phơi khô đáy đến nứt rạn chân chim. Sau đó bón vôi và lấy nước vào ao qua túi lọc, đảm bảo độ sâu tối thiểu ở mương bao là 1m, trên mặt trảng ruộng nuôi là 0,7m để ổn định 2-3 ngày tiến hành diệt giáp xác, cá tạp.
- Gây màu nước, khử trùng nguồn nước và thả giống. Trong trường hợp này các đối tượng nuôi sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên là chính nên khâu gây màu là hết sức quan trọng. Người nuôi không nên bơm nước từ ngoài vào khi tôm chưa được 1 tháng tuổi, mà phải sau khi tôm được 1 tháng (tôm đã lớn, hoạt động nhanh nhẹn tìm kiếm thức ăn. Mặt khác, lúc này tôm cần nhiều thức ăn nên tiến hành bơm thêm nước ngoài vào, nhằm bổ sung thêm nguồn nước bị thiếu hụt, cung cấp thêm nguồn thức ăn tự nhiên, tận dụng nguồn giống tự nhiên…
TSĐL