(Thủy sản Việt Nam) - Đó là chủ đề chính tại Chương trình “Vì một cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam với các nước ASEAN và Đại sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 6/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.
Phát biểu tại Chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức hình thành vào cuối năm 2015. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt đối với khu vực cũng như từng quốc gia thành viên, phản ánh sự trưởng thành và lớn mạnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, là dấu mốc quan trọng, sự khởi đầu cho một thời kỳ phát triển cao hơn. Cùng đó, cộng đồng ASEAN sẽ mang lại những lợi ích quan trọng và thiết thực cho các nước thành viên, mà bao trùm là việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định. Đồng thời, mở ra thị trường chung rộng lớn với hơn 600 triệu người, tổng sản phẩm GDP gần 3.000 tỷ USD. ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 toàn cầu và dự báo đứng vị trí thứ 4 vào năm 2050. Từ khi chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ngày 28/7/1995), Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định các quyết sách cũng như triển khai các Thỏa thuận hợp tác của Hiệp hội. ASEAN đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 42,12 tỷ USD vào năm 2014, chiếm hơn 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam.
Nhân dịp này, hơn 130 cá nhân đại diện các tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu của 10 nước ASEAN đã được trao tặng biểu trưng ghi nhận những đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng Hiệp hội thời gian qua. Trong đó, có sự góp mặt của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy sản như: Tập đoàn Việt-Úc, Doanh nghiệp tư nhân thủy sản Đắc Lộc, Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy sản Thiên Phú…
Trước đó, ngày 5/8 tại tòa nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu tham dự Chương trình. Tại đây, các đại biểu cùng cho rằng, để hội nhập thành công, các doanh nghiệp cần thay đổi hẳn tư duy kinh doanh và phát huy nội lực doanh nghiệp, xây dựng được niềm tin dài lâu trong cộng đồng. Cùng đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ về định hướng phát triển, cơ chế kinh doanh để tạo ra một sân chơi lành mạnh.