Có thể nói, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 7/2015 có hơn 1.920 ha tôm nuôi bị thiệt hại, nâng tổng diện tích thiệt hại đến nay vượt lên hơn 12.230 ha.
Một thực tế gây khó cho việc nuôi tôm từ đầu năm đến nay là dịch bệnh phát sinh cao, nhưng các giải pháp phòng chống gần như chưa phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết: “Diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện năm nay bị thiệt hại cao hơn so với mọi năm. Huyện đã tổ chức hội thảo để đánh giá về tình hình dịch bệnh trên tôm, nhưng nhìn chung vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu”. Không riêng gì huyện Hồng Dân, mà các địa phương khác cũng gần như “bó tay” với dịch bệnh gây hại trên tôm.
Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm nuôi công nghiệp - Ảnh: Tú Anh
Tôm bị thiệt hại không chỉ gây khó cho sản xuất của bà con nông dân, mà còn tác động xấu đến môi trường. Đó là nạn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, phát tán dịch bệnh, rồi cái vòng luẩn quẩn giữa người xả nước và người lấy nước vào nuôi tôm chưa có hồi kết. Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản còn đối mặt với nhiều áp lực khác như: kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng phát triển chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi, điện và giao thông. Tình trạng kinh doanh tôm giống kém chất lượng, trốn tránh kiểm dịch, bán trôi nổi trên thị trường vẫn thường xuyên xảy ra. Hoạt động kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thức ăn nuôi tôm, chế phẩm sinh học, chất cải tạo môi trường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ...
Khó khăn nhất trong nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay chính là giá tôm nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh (từ 20 - 30%) so với cùng kỳ. Cụ thể, giá tôm sú giảm gần 50.000 đồng/kg và giá tôm thẻ 28.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá vật tư phục vụ sản xuất nuôi trồng không giảm và nhiều sản phẩm tiếp tục tăng giá. Riêng thị trường tiêu thụ thủy sản xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn và chỉ đạt hơn 47% kế hoạch.
Trước những khó khăn trong nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nông dân đã không còn vốn tái đầu tư cho sản xuất, hoặc chỉ sản xuất theo kiểu cầm chừng. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá cả gây bất lợi nên diện tích thả nuôi tôm thẻ và tôm sú chỉ chiếm khoảng 30 - 50% tổng diện tích sản xuất của nông dân.
Để khắc phục kịp thời những khó khăn trong nuôi trồng thủy sản và hoàn thành kế hoạch đề ra, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo về nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh thủy sản, vệ sinh môi trường. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như: Giám sát chặt chẽ diễn biến môi trường vùng nuôi, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy hoạch, lịch thời vụ và quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, tình hình cung ứng và chất lượng tôm giống phục vụ sản xuất, tiến độ thả giống, tình hình thiệt hại và biện pháp khôi phục sản xuất; Hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện đầy đủ các quy định để đáp ứng đủ điều kiện được nhận hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; Tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản và đề xuất giải pháp khắc phục dịch hại và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản; Đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng, giá cả vật tư đầu vào và các quy định về quản lý môi trường. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường...