Liên quan tới Nghị định 67, ông Hoàng Đình Yên - Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: Vừa qua, Chính phủ đã cho chủ trương giải quyết các khó khăn vướng mắc, tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện như là quy định điều kiện của việc sử dụng máy thủy cũ trong nâng cấp tàu cá, cơ quan nào sẽ chủ trì đánh giá chất lượng máy cũ? Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư sẽ được thực hiện cho những đối tượng nào, cách thức cụ thể ra sao?
Đặc biệt vấn đề mà ngư dân băn khoăn bấy lâu nay là sử dụng máy tàu thủy cũ đối với trường hợp nâng cấp tàu cá nhằm tiết kiệm chi phí, theo ông Yên, cần làm rõ: Nâng cấp tàu cá là những tàu cá dưới 400 CV nâng cấp lên trên 400 CV được sử dụng máy thủy cũ, với trường hợp tàu cá trên 400 CV, máy đã quá cũ thay thế bằng máy thủy cũ khác có được xem là nâng cấp không? Và Bộ Khoa học - Công nghệ quy định điều kiện sử dụng máy tàu thủy cũ, vậy tổ chức, cơ quan nào đánh giá máy thủy cũ đủ điều kiện? “Chỉ các máy cũ được nhập khẩu hay cả các máy thủy đã sử dụng ở Việt Nam cũng được phép đánh giá và sử dụng nếu đủ tiêu chuẩn theo quy định?” - ông Yên nêu vấn đề.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Huy Hoàng - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, khẳng định chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới nhằm từng bước hiện đại hóa tàu khai thác xa bờ là hướng đi đúng tuy có chậm so với các nước xung quanh nhưng “còn hơn không”. Tuy nhiên, việc thực hiện còn biểu hiện tính nôn nóng yêu cầu phát triển ồ ạt ngay là không phù hợp với thực tế. Vốn đầu tư lớn còn hiệu quả kinh tế chưa thể khẳng định, khả năng trả nợ vay ngân hàng rất khó khăn nên cả ngư dân cũng như ngân hàng đều e dè.
Liên quan đến tình hình nuôi tôm thời gian qua, bà Trần Thị Thu Nga, Ban Phát triển thủy sản bền vững của Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, những nguyên nhân khiến hoạt động nuôi tôm đặc biệt là hộ nuôi quy mô nhỏ (diện tích dưới 3 ha) thất bại cao trong thời gian qua, nhiều hộ lâm vào tình trạng khó khăn là do cấu trúc mặt bằng nuôi, vùng nuôi bị phá vỡ; kỹ thuật nuôi còn lạc hậu; việc kiểm soát con giống, thuốc thú y, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường bị buông lỏng...
Bà Nga đề xuất điều tra tổng thể hiện trạng nghề nuôi tôm; kiểm soát chặt lây nhiễm dịch bệnh trong tôm; tăng cường quản lý về các loại thuốc và chế phẩm sinh học và xây dựng bản đồ thông tin về tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian tới; các cơ quan liên quan thì cần thông tin về thị trường kịp thời, đầy đủ hơn.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, TS Nguyễn Việt Thắng nhìn nhận: Nghị định 67 là cơ hội để ngành thủy sản hiện đại hóa, hình thành thành đội tàu đánh bắt xa bờ lên tới 28.000 tàu vừa đảm bảo an toàn cho ngư dân trong đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo.
“Trong vấn đề tái cơ cấu, chúng tôi sẽ có kiến nghị để nói cho rõ chuyển đổi cơ cấu nghề nuôi tôm Việt Nam, đó là không thể tăng sản lượng bằng tăng diện tích như thời gian qua chúng ta đang làm, không thể theo kiểu “người trước ngã xuống người sau xông lên”. Phải tăng sản lượng, chất lượng bằng khoa học kỹ thuật” - TS Thắng nói.
Cũng theo TS Nguyễn Việt Thắng, cần nghiên cứu thường xuyên để nắm vững các loại bệnh nhằm có dự báo và chỉ đạo kịp thời, chứ không phải khi có bệnh mới thành lập ban chỉ đạo, vì thành lập được ban chỉ đạo thì có khi tôm đã chết gần hết rồi. Hơn nữa, trong điều kiện eo hẹp, nên tập trung phòng bệnh là chính chứ không phải bỏ tiền để dập bệnh, bỏ tiền để không sinh ra bệnh. Nên khi chớm bệnh phải bỏ tiền, mua thuốc xử lý hết bệnh chứ không mong đợi cho nhiều rồi mới lao vào chữa trị…
Hội nghị lần này là cơ sở để Hội Nghề cá Việt Nam tập hợp ý kiến kiến
nghị với Chính phủ, với Bộ NN&PTNT tháo gỡ những khó khăn cho bà con
ngư
dân trong việc triển khai Nghị định 67 và những khó khăn với cộng đồng
nuôi tôm.