(Thủy sản Việt Nam) - "Đắc Lộc được như hôm nay chính là nhờ uy tín và chất lượng trong từng con tôm giống. Sản xuất giống không khó nhưng để có tôm giống chất lượng cao thì không dễ. Ngoài nhân lực, công nghệ, kỹ thuật…, còn phải đặt cả niềm tin, yêu thương, cảm xúc vào trong công việc để tạo ra con giống tốt như kỳ vọng" - Bà Nguyễn Thị Nga (ảnh), Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc chia sẻ với Thủy sản Việt Nam.
Bà có thể giới thiệu đôi nét về Thủy sản Đắc Lộc?
Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc được thành lập năm 2006, hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, mua bán thủy hải sản, kinh doanh thức ăn, thuốc và vật tư nuôi trồng thủy sản, vận chuyển hàng hóa thông dụng… Đối tượng chủ lực là tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín của Thủy sản Đắc Lộc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP năm 2013 - 2015.
Thế mạnh của Thủy sản Đắc Lộc là gì, thưa bà?
Thủy sản Đắc Lộc có cơ sở hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên ngành cùng công nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất. Bộ phận sản xuất gồm có bộ phận tôm bố mẹ, bộ phận sản xuất giống và bộ phận nuôi tôm thực nghiệm. Cụ thể, bộ phận tôm bố mẹ gồm 3 trại với công suất 50 triệu Nauplius/ngày. Nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao được nhập khẩu từ Tập đoàn C.P. Thái Lan, qua kiểm tra giám sát sức khỏe và chứng nhận sạch bệnh từ Thú y Vùng IV và Vùng VI. Quá trình sản xuất, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước; bộ phận sản xuất giống gồm 10 trại, công suất 3 tỷ post larvae/năm. Xuyên suốt quá trình chăm sóc, quản lý, sử dụng hoàn toàn sản phẩm vi sinh, không sử dụng kháng sinh…
Kiểm tra tôm giống tại Thủy sản Đắc Lộc - Ảnh: Nguyên An
Đánh giá của bà về thực trạng và triển vọng của ngành tôm giống Việt Nam?
Tôm giống được xác định là chủ lực của ngành thủy sản. Nhu cầu tôm giống rất lớn. Tuy nhiên, thị trường hiện nay, số lượng tôm giống không nguồn gốc, trôi nổi, chất lượng thấp thì nhiều. Tôi trước khi sản xuất giống đã từng là người nuôi tôm, tôi hiểu được sự vất vả, khổ cực và rủi ro của người nuôi. Giờ chuyển sang sản xuất tôm giống, tôi luôn đặt mình vào vị trí của người nuôi. Chúng tôi làm mọi thứ có thể: đầu tư nhân lực, công nghệ, quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ… để tạo ra những con giống khỏe, sạch để cung cấp cho bà con nông dân.
>> Thủy sản Đắc Lộc xây dựng hệ thống phòng ban chuyên kiểm tra, giám sát các vấn đề môi trường, dịch bệnh. Ngoài giám sát nội bộ, Đắc Lộc thường xuyên gửi mẫu tới các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Viện Pasteur… để kiểm tra, đối chứng đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi xuất bán cho khách hàng. Thị trường tôm giống của Đắc Lộc trải dài trên cả nước, từ Nam Định tới Cà Mau. Năm 2014, sản lượng tôm giống xuất bán trên thị trường tăng 2,5 lần so với năm 2013. |
Trong một thị trường tôm giống còn có phần "nhiễu nhương" thì bí kíp nào giúp Thủy sản Đắc Lộc trụ vững và ngày càng phát triển bền vững, thưa bà?
Thị trường tôm giống hiện nay không chỉ có mình Thủy sản Đắc Lộc không thôi. Như tôi đã nói, tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nhiều. Thủy sản Đắc Lộc được như ngày hôm nay chính là nhờ sự uy tín và chất lượng trong từng con tôm giống. Sản xuất tôm giống không khó nhưng để có được tôm giống chất lượng cao thì không dễ. Ngoài nhân lực, công nghệ, kỹ thuật… rồi thì còn phải đặt cả niềm tin, yêu thương, cảm xúc vào trong công việc để tạo ra con giống tốt như là kỳ vọng.
Và điều gì khiến bà trăn trở nhất hiện nay?
Có điều này tôi thấy bất hợp lý, không công bằng. Đó là bên cạnh những công ty lớn, đủ chứng nhận năng lực để sản xuất giống tốt, sạch bệnh thì còn rất nhiều công ty sản xuất giống chất lượng thấp, số lượng nhiều, họ trà trộn và làm ảnh hưởng đến những công ty làm ăn chính đáng. Do vậy, tôi nghĩ, các cấp bộ, ngành, cấp trên phải có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.
Mục tiêu, chiến lược của Thủy sản Đắc Lộc trong thời gian tới, thưa bà?
Mục tiêu của Thủy sản Đắc Lộc là trong năm 2015 sẽ xây dựng được nhà máy chế biến thủy sản. Tuy nhiên để thực hiện được điều này hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố nữa. Bối cảnh chung của ngành thủy sản là đang bị chững lại. Nếu chưa thực hiện được trong năm nay thì tới năm 2016 chúng tôi cũng phải làm. Mục tiêu thứ hai là thành lập Trung tâm Giao dịch thủy sản tại Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Toàn cảnh khu sản xuất giống thủy sản của Thủy sản Đắc Lộc tại xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, Phú Yên
- Ảnh: Ngọc Thọ
Nhận định của bà về tăng trưởng của ngành thủy sản trong tương lai?
Tham gia ngành này nên tôi cũng phải tham khảo, tìm hiểu từ nhiều nguồn để đưa ra được cái nhìn toàn cảnh về ngành. Có lẽ do "dư chấn" của đợt hậu suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 nên ngành thủy sản vẫn đang lấy lại cân bằng, chưa phát triển mạnh được. Sang năm 2015, bên cạnh những yếu tố như dịch bệnh, giá cả giảm sâu, thời tiết nắng nóng diễn biến rất bất thường nên thủy sản, nhất là nuôi tôm bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển thủy sản nước ta còn lớn. Tôi tin sang 2016 và chậm nhất 2017, thủy sản Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng mạnh.
>> Yếu tố chính dẫn đến sự thành công của doanh nghiệp đó là biết nắm bắt kịp thời các khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhu cầu, xu hướng của thị trường để áp dụng các chính sách kinh doanh ngắn hạn và dài hạn cho phù hợp. Từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng của DNTN Thủy sản Đắc Lộc được duy trì đều đặn qua từng năm, bình quân mỗi năm tăng trưởng từ 10 - 20%. Doanh nghiệp cũng gặt hái nhiều thắng lợi, được đông đảo người nuôi trồng thủy sản tín nhiệm; nhận được Cúp Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam 2012; 2014. Thủy sản Đắc Lộc là Đơn vị kinh tế điển hình tiên tiến, Nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển đảo; Top 100 Thương hiệu Việt uy tín năm 2014; Thương hiệu và sản phẩm thân thiện môi trường... Thủy sản Đắc Lộc nhận nhiều bằng khen của Trung ương, bộ, ngành, UBND tỉnh Phú Yên… vì có đóng góp cho ngân sách và hoạt động xã hội, từ thiện. |