Tham gia hội nghị có đồng chí Võ Minh Chiến, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đồng chí Lê Minh Khái, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cùng lãnh đạo các hiệp hội ngành thủy sản, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại hội nghị, nhiều địa phương khẳng định: đề án tái cơ cấu ngành thủy sản là cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản của Việt Nam. 36/63 tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có ngành thủy sản. Nhiều địa phương đã có những hoạt động cụ thể hóa mục tiêu đề án là duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành thủy sản, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Cụ thể: kết quả sản xuất thủy sản giai đoạn 2011 – 2014 của cả nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong khối nông – lâm – thủy sản. Tổng sản phẩm xã hội đạt tốc độ trên 5%/năm; giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 4,7%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản từ 21,5% năm 2011 lên 22,7% năm 2014; tốc độ tăng tổng sản lượng thủy sản cao hơn tốc độ tăng diện tích; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình gần 8%/năm. Trong nuôi trồng thủy sản, bệnh trên đối tượng nuôi được kiểm soát và xử lý nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng; năng suất trên đơn vị diện tích có xu hướng tăng. Cơ cấu đối tượng nuôi có sự thay đổi tương đối rõ nét. Công tác quản lý chất lượng giống nước lợ tại địa phương đã đưa hoạt động sản xuất và cung ứng giống thủy sản cơ bản đi vào nề nếp. Trong khai thác thủy sản, số lượng tàu cá công suất nhỏ giảm, tàu công suất lớn, tham gia khai thác xa bờ tăng theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.
Các cơ quan, ngành trung ương và đại biểu các địa phương tham dự hội nghị đã thảo luận làm rõ nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong triển khai, thực hiện đề án như: Cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào nuôi trồng để nâng sản lượng, giảm chi phí, giảm giá thành thủy sản; Cần ứng dụng hiệu quả công nghệ vào tái cơ cấu ngành thủy sản ở tất cả các mặt như cơ cấu giống, nuôi trồng, khai thác, hậu cần nghề cá và chế biến thủy sản để nâng cao giá trị thủy sản Việt Nam; Cần kiểm soát tốt giá vật tư chuyên ngành thủy sản không để tăng chi phí đầu vào, kéo giá thành thủy sản Việt Nam lên cao trong điều kiện giá cả thủy sản một số nước trên thế giới đang cạnh tranh gay gắt với thủy sản Việt Nam; Việc triển khai đóng tàu cá theo Nghị định 67 còn chậm; Vấn đề khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chưa được thực hiện tốt, đảm bảo được sự bền vững của nguồn lợi thủy sản; Diễn biến thời tiết khắc nghiệt ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngành thủy sản là một trong những ngành trọng yếu của nông nghiệp Việt Nam với nhiều tiềm năng, lợi thế và tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều nghành khác. Song, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam và các nước có thế mạnh đang ngày càng gay gắt. Do đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành thủy sản trong thời gian tới là vấn đề quan trọng của cả nước, của từng địa phương. Trong thực hiện đề án, vấn đề nâng cao đời sống cho hàng triệu nông dân, ngư dân trên cả nước là trọng tâm nhất, tái cơ cấu phải lấy hiệu quả sản xuất của phần đông nông dân, ngư dân qua từng mô hình sản xuất, khai thác, đánh bắt làm thước đo thành công của đề án. Để đạt được những mục tiêu của đề án, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị ngành thủy sản, các cấp, các ngành phải thống nhất nhận thức và hành động, xây dựng chương trình, đề án ở cấp mình cụ thể, đồng bộ sát hợp với tình hình địa phương, đơn vị để tái cơ cấu phải thực sự là giải pháp căn cơ, toàn diện, lâu dài cho sự phát triển của ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt từ nhiều phía, trên nhiều mặt như hiện nay.
VT