(Thủy sản Việt Nam) - Ngày 29/7, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội thảo “Tiêu chí quy hoạch Trung tâm nghề cá lớn và triển khai thực hiện”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì.
Hội thảo nhằm tìm ra những tiêu chí thích hợp trong công tác quy hoạch, triển khai xây dựng các Trung tâm Nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm.
Theo Vụ Khai thác Thủy sản, hiện trạng hạ tầng nghề khai thác thủy sản nước ta còn nhiều hạn chế. Cả nước hiện có 78 cảng cá, 46 bến cá đã đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng cho khoảng 82.000 tàu cá cập cảng, lượng hàng thủy sản qua cảng đạt khoảng 1,6 triệu tấn; đã và đang đầu tư xây dựng 65 khu neo đậu tránh trú bão. Nhu cầu hình thành các Trung tâm Nghề cá tập trung là một yêu cầu cấp thiết, là động lực thu hút đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.Việc hình thành các Trung tâm Nghề cá tại các vùng trọng điểm sẽ quyết định đến sự phát triển thủy sản Việt Nam trong tương lai, tạo nền tảng, sức bật cho bước chuyển quyết định từ một nghề cá nhỏ, manh mún, mang tính tự phát sang nghề cá công nghiệp, nghề cá thương mại.
Theo các đại biểu tham gia Hội thảo, việc đặt vị trí cho các Trung tâm Nghề cá lớn cần có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc xây dựng cầu cảng, bãi hàng, tận dụng triệt để các tiền đề cơ sở kỹ thuật nghề cá hiện hữu, giảm được chi phí nạo vét luồng khi xây dựng mới; có khả năng mở rộng quy mô đầu tư, không chịu sự giới hạn bởi yếu tố thiên nhiên, địa hình, các yếu tố kinh tế xã hội khác có liên quan. Về tiêu chí quy mô, tính toán chỉ tiêu về lượng hàng thủy sản qua cảng theo quy hoạch đạt từ 30.000 tấn/năm trở lên; tính toán chỉ tiêu về đội tàu theo quy hoạch, loại tàu có khả năng cập cảng có công suất đến 1.000 CV; số lượng tàu cá cập cảng trung bình từ 200 lượt tàu/ngày trở lên…
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: Việc xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn cần được bổ sung rà soát lại, trên cơ sở xác định quy mô, sản lượng, hạ tầng khai thác, diện tích, tính toán phù hợp với dung lượng tàu của các tỉnh, gắn với khu neo đậu tránh bão cấp vùng. Các địa phương cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản địa phương, làm rõ phân khu chức năng, đặc biệt phần cầu cảng dưới nước. Trong quá trình đầu tư, cần xác định chủ trương và công tác quản lý đầu tư, quản lý bằng quy hoạch, quy chuẩn, các điều kiện, cơ chế giám sát phù hợp với tình hình địa phương...