Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng tư vấn việc làm (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh) cho biết, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thủy sản có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn, nhưngkhông thể tuyển dụng đủ theo nhu cầu.
Từ đầu năm đến nay, do một số lao động nghỉ tết đã không trở lại làm việc nên Công ty Đông Đông Hải (TP.Vũng Tàu) bị thiếu hụt nguồn lao động. Ngay từ đầu năm, công ty đã thông báo tuyển dụng 150 lao động, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ.
Là một doanh nghiệp “lớn” trong ngành chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, nhưng thời gian qua, Công ty CP Hải Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cũng gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn lao động gây ra. Ông Ngô Văn Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hải Việt cho biết:“Hai năm qua, việc tuyển lao động của công ty rất khó khăn, dù đã thông báo tuyển dụng rộng rãi nhưng vẫn rất ít lao động đến tìm việc làm. Ngay từ đầu năm nay công ty cần tuyển dụng 300 công nhân nhưng đến nay số lượng tuyển được rất ít. Thiếu lao động nên công ty khó mở rộng sản xuất, nhiều thời điểm đơn hàng nhiều công nhân phải tăng ca làm việc”.
Không chỉ có 2 doanh nghiệp nêu trên, qua tìm hiểu của chúng tôi, toàn tỉnh hiện có khoảng 170 doanh nghiệp ngành thủy sản, thì có tới hơn 80% doanh nghiệp thường xuyên thiếu lao động. “Nhiều khi đã ký được các hợp đồng xuất khẩu nhưng thiếu nguồn nhân lực để làm nên việc trễ hợp đồng hoặc phải hủy hợp đồng là điều khó tránh khỏi”-chủ một doanh nghiệp chia sẻ.
Nguyên nhân các doanh nghiệp thủy sản không thu hút được lao động một phần do đây là ngành nghề có tính đặc thù, môi trường làm việc lạnh và ẩm ướt, mùi hôi khó chịu nên nhiều công nhân không mặn mà. Một số lao động chỉ coi đây là ngành nghề tạm thời khi đang thất nghiệp, sau một thời gian nếu tìm được việc khác là họ sẵn sàng “nhảy” việc. Vì vậy, mặc dù các công ty đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn là bài toán nan giải.
Có thu hút, “giữ chân” vẫn khó
Không giống như những ngành nghề khác, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều có giải pháp để thu hút và “giữ chân” người lao động, nhất là những dịp cao điểm nghỉ dài ngày như lễ, tết hay đầu năm. Vậy nhưng, phương cách này vẫn khó lòng giúp các doanh nghiệp thủy sản có đủ công nhân để sản xuất, kinh doanh. Để có đủ nhân công, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút và giữ chân lao động, một trong những giải pháp đó là tăng thu nhập và chăm lo đời sống cho công nhân.
Tại Công ty CP Hải Việt, hiện nay thu nhập bình quân của người lao động là 6,3 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng có mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này đã khá hơn so với nhiều ngành nghề khác nhưng cũng chưa bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong bối cảnh vật giá hiện nay. Trong khi đó, so với những ngành nghề khác như: giày da, may mặc… tuy thu nhập không cao bằng nhưng môi trường làm việc “nhàn” hơn nên khi có cơ hội làm việc ở những ngành nghề khác, công nhân vẫn sẵn sàng chuyển nghề.
Chị Nguyễn Thị Hằng, ở đường 30/4, phường Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu) cho biết, trước đây chị làm công nhân cho một công ty thủy sản, với việc sơ chế thủy sản, tuy không nặng nhọc nhưng điều kiện lao động và môi trường làm việc phải qua nhiều công đoạn tiệt trùng rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Nói là làm việc 8tiếng/ngày, nhưng có thời điểm công nhân phải tăng ca lên 14tiếng/ngày. Vậy nên, dù mức lương hằng tháng tăng thêm so với những tháng trước và chất lượng buổi ăn trưa được cải thiện, nhưng thu nhập của công nhân vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu tối thiểu cho bản thân nên khi tìm được việc khác chị đã nghỉ việc.
Nói về việc tăng thu nhập để giữ chân công nhân, nhiều chủ doanh nghiệp thủy sản chia sẻ, với tình hình kinh tế hiện nay, giá đầu vào như nguyên liệu, lãi suất ngân hàng, chi phí nhiên liệu, giá điện đều tăng cao, trong khi giá hàng xuất khẩu tăng không đáng kể thì việc nâng lương cho công nhân là việc không đơn giản. Vì vậy, dù rất muốn giữ chân công nhân nhưng các giải pháp cũng chỉ thực hiện trong chừng mực có thể mà thôi.
ÔNG NGÔ VĂN HẢI, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP HẢI VIỆT: Thiếu do lao động từ miền Trung ít vào Hai năm vừa qua, công ty chúng tôi thiếu nguồn lao động. Nguyên nhân là do trước đây nguồn lao động từ các tỉnh ở miền Trung vào rất nhiều nhưng thời gian gần đây số lao động này rất ít. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành may mặc, giày da phát triển mạnh thu hút công nhân nhiều hơn, tình trạng “nhảy” việc cũng xảy ra thường xuyên. Để giữ chân người lao động, Công ty CP Hải Việt đã có nhiều chính sách, chế độ cho người lao động bên cạnh chính sách tiền lương như: thực hiện tốt chế độ bảo hiểm, chăm lo tốt bữa ăn cho công nhân, nghỉ Tết có xe đưa về và đón vào… Nhờ thực hiện tốt chính sách chăm lo cho người lao động nên có nhiều công nhân khi “nhảy” việc sang công ty khác một thời gian sau quay về chúng tôi vẫn nhận lại. Nhưng do nguồn cung ít so với cầu nên vẫn thiếu lao động. |