Với những điều khoản mới bổ sung, Đạo luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ được nhận định có thể tác động đến cá tra Việt Nam. Chưa biết điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào, nhưng có thể xem đây là cơ hội để ngành cá tra tự đổi mới mình.
Cơ hội và thách thức
Đạo luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ (Luật Nông trại - Farm Bill) có 15 chương, 450 mục dài gần 1.000 trang, bao trùm nhiều vấn đề với phạm vi rộng lớn. Nhưng có thể nói, nó nhằm bảo vệ nền nông nghiệp Mỹ.
Với cá tra Việt Nam, chuyển chức năng thanh tra, giám sát từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Theo đó, cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải đáp ứng yêu cầu của USDA từ sản xuất giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi đến chế biến, đóng gói, xuất khẩu. USDA sẽ tổ chức kiểm tra quy trình sản xuất và an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và cấp giấy chứng nhận cho phép xuất vào Mỹ nếu đủ tiêu chuẩn. Tóm lại, sản phẩm cá tra của Việt Nam phải tương đương sản phẩm cá da trơn sản xuất tại Mỹ thì mới được vào thị trường này.
Đạo luật này sẽ làm tăng chi phí cho USDA và các cơ sở sản xuất cá tra. Đó là những chi phí có thể không cần thiết với các cơ sở sản xuất của Việt Nam, nhất là cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh cá tra mang nguy cơ về an toàn thực phẩm cao hơn các loài thủy sản khác vẫn xuất vào Mỹ.
Tuy nhiên, Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế của Tổng cục Thủy sản cũng đánh giá: Quy định mới này cũng tác động tích cực tới ngành thủy sản Việt Nam, là cơ hội tốt để các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong nước, các doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường. Động thái của Mỹ cũng cho thấy sự cần thiết và tính cấp thiết phải áp dụng hệ thống sản xuất và quản lý theo chuỗi, hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng như cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi trong thương mại quốc tế.
Với các doanh nghiệp thủy sản nước ta, Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, cần “liên kết với nhau, cải thiện hình ảnh và độ tin cậy với các đối tác nhập khẩu Mỹ, cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Người nuôi cá hy vọng
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An chuyên nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho rằng: Khó khăn mà có lãi thì vẫn nên làm. Lâu nay, ngành cá tra Việt Nam phát triển dễ dãi, từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu đều làm lèo phèo, không quản lý được chất lượng nên bây giờ gần như mạt nghiệp. Nhiều thị trường phản đối, người nuôi mất vốn, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phá sản. Dễ dãi để nghèo mãi, ôm nhau mà nghèo hết trơn thì dễ dãi được gì?!
Với những quy định về dán nhãn, dự đoán doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khi đưa cá tra vào Mỹ, nhưng ông Hải nghĩ những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng vẫn vào được thị trường này. Còn người nuôi cá tra, với những tiêu chuẩn của nông trại Mỹ, cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cần phải bình tĩnh. Cá tra Việt Nam vốn chất lượng tốt đã được người Mỹ ưa chuộng thì không có gì phải quá lo lắng. Khó khăn mà để bảo đảm chất lượng, lấy lại giá trị đích thực cho cá tra, có lợi cho cả ngành, cho đất nước thì phải làm. Trước thách thức lớn sẽ có một số người nuôi cá tra phải rời “cuộc chơi”, ai không đáp ứng được yêu cầu thì chuyển sang nuôi con cá khác hoặc làm nghề khác.
Như thế diễn ra sự phân công lại xã hội, sẽ có đau đớn, nhưng cũng là cơ hội lớn. Hy vọng, năm nay cá tra sẽ tăng giá để có thể đi tới cấu trúc lại ngành cá tra cho tốt hơn; hoặc có thể coi đây là làm cuộc cách mạng để thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn yếu kém nhiều năm qua.