Trong gần hai năm qua, Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS/EMS) đã khiến ngành tôm thế giới chao đảo, trong đó nặng nhất là khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, với những tín hiệu khởi sắc từ cuối năm 2013, hy vọng năm nay ngành tôm sẽ phục hồi.
Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất lớn
Là một trong những nước sản xuất tôm chịu thiệt hại nặng nề bởi EMS trên toàn cầu, 2013 là năm thứ tư Trung Quốc phải chịu thiệt hại từ dịch bệnh này. Theo ước tính, sản lượng tôm nước này chỉ đạt hơn 1,1 triệu tấn, giảm 26% so với 1,35 triệu tấn năm 2011. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới dù sản lượng đã giảm mạnh so với mức đỉnh 1,5 triệu tấn (năm 2011); Dự kiến, đạt 1,2 triệu tấn vào năm 2015.
Thái Lan phục hồi nhẹ
Hiệp hội Tôm Thái Lan (TSA)cho biết, năm 2013, dịch bệnh EMS tấn công khiến ngành tôm Thái Lan thiệt hại tới 50 tỷ baht (tương đương 1,54 tỷ USD). Theo Chủ tịch TSA, Somsak Paneetatyasai, sản lượng tôm của Thái Lan trong năm 2013 chỉ đạt 250.000 - 300.000 tấn, giảm mạnh so 540.000 tấn năm 2012và mức đỉnh điểm 640.000 tấn năm 2010. Theo đó, tổng sản lượng tôm xuất khẩu năm 2013 chỉ ở mức 200.000 tấn, trị giá 70 tỷ baht (2,15 tỷ USD). Xuất khẩu sụt giảm mạnh đã khiến cho Thái Lan đánh mất danh hiệu nhà xuất khẩu tôm số 1 tại thị trường Mỹ về tay Ấn Độ.
Thu hoạch và phân loại tôm tại Thái Lan - Nguồn: Ft.com
Ông Somsak Paneetatyasai dự đoán, sản lượng tôm của Thái Lan sẽ đạt 320.000 tấn trong năm 2014; xuất khẩu sẽ tăng 20% về khối lượng và giá trị dựa theo tỷ giá hối đoái là 1 USD = 32 bath.
Indonesia vẫn mạnh
Số liệu của FAO và dự báo của GOAL cho thấy, năm 2013, sản lượng tôm của Indonesia đạt gần 600.000 tấn, tăng 33% so năm 2012. Dự kiến, sản lượng tôm nước này vào năm 2014 sẽ giảm nhẹ so năm 2013, sau đó quay lại mốc 600.000 tấn trong năm 2015.
Tổng vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (MAAF), Slamet Soebjakto nhận định, chính phủ Indonesia sẽ chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh về xuất khẩu tôm, cung cấp các chính sách, biện pháp hỗ trợ cần thiết, nhất là về mặt áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi tôm để cải thiện năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
“Với 1,2 triệu ha mặt nước tiềm năng cho nuôi tôm, trong đó diện tích có hiệu quả chiếm tới 773.000 ha, Indonesia có thể vượt qua các đối thủ láng giềng như: Thái Lan, Việt Nam và Malaysia để trở thành nước sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới”, Slamet Soebjakto cho biết thêm.
Ấn Độ tăng trưởng ổn định
Năm 2013, Ấn Độ ít chịu ảnh hưởng của EMS. Nhờ đó, Ấn Độ đã trở thành nguồn cung tôm cho nhiều nước khác. Nhu cầu tăng cùng với sự chuyển hướng nhanh chóng của Ấn Độ từ tôm sú truyền thống sang tôm thẻ chân trắng (TTCT) đã giúp nước này thu lợi lớn sau khi EMS tấn công nhiều nước sản xuất tôm lớn trên thế giới. Ước tính năm tài khóa 2012 - 2013, sản lượng tôm của Ấn Độ đạt gần 270.000 tấn. Dự kiến, sản lượng tôm của nước này sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2015, đạt khoảng 300.000 tấn. Theo dự báo của Rabobank, thị phần của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới và sản lượng TTCT của nước này có thể tăng gấp 5 lần trong tương lai gần.
Mexico chưa hết khó
Sản lượng tôm của Mexico năm 2013 ước đạt 38.000 tấn, giảm 60% so 93.000 tấn năm 2012. Do dịch bệnh EMS, Mexico đã trở thành nước duy nhất trong 3 nhà sản xuất tôm chính của khu vực Mỹ Latinh có nguồn cung giảm trong năm 2013. Nhiều chuyên gia dự đoán, sản lượng tôm của Mexico sẽ phục hồi trong năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, dù phục hồi nhưng sản lượng trong năm 2015 vẫn sẽ thấp hơn khoảng 43% so năm 2011.
Ecuador mong đợi
Cùng với Ấn Độ, Ecuador cũng là nước ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh EMS. Theo đó, sản lượng tôm của Ecuador (nhà sản xuất lớn nhất khu vực Nam Mỹ) ước tính đạt 230.000 tấn năm 2013 và dự kiến sẽ vượt 240.000 tấn vào năm 2015.
thuysandacloc.vn