Những năm qua đã có nhiều công nghệ mới được ứng dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sử dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh và phòng trừ một số bệnh thường gặp trong quá trình nuôi, sử dụng máy ozone xử lý môi trường nước; công nghệ nano… Trong đó, phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng tầng mặt qua đông theo quy trình GAP đã được áp dụng thành công tại xã Giao Phong (Giao Thủy) và đang được nhân rộng tại các trang trại nuôi ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Quy trình kỹ thuật nuôi tôm tầng mặt có nhiều điểm khác biệt so với cách nuôi trước đây: Phần đáy ao nuôi được đổ cát dày từ 0,5-1m thay vì 0,15-0,3m như cũ; lắp mái che mặt ao để kiểm soát nhiệt độ ổn định, giúp tôm tăng trưởng trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời thay đổi; vệ sinh đáy ao theo phương pháp rút nước, cày lật và đánh đống, phơi đáy đến khi khô kiệt sau đó xử lý hóa chất, bơm cát mới và dùng chế phẩm sinh học để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trước khi gây màu nước và xuống giống. Ưu điểm của phương pháp này giúp phần đáy ao thoáng khí, thúc đẩy nhanh quá trình oxy hóa loại bỏ khí độc và mầm bệnh do tích tụ nhiều tạp chất từ vụ nuôi trước và ổn định nhiệt độ, tránh cho tôm bị “sốc” do thay đổi thời tiết. Từ phương pháp nuôi mới, một số hộ dân ở xã Giao Phong đã đổ cát đáy ao tối thiểu dày 0,5m, kè bờ bằng bê tông và xây bờ cao hơn mặt đường 0,5m để hạn chế "địch hại" xâm nhập ao nuôi, làm mái che kết hợp bố trí hợp lý điểm thoát nước mưa ở bờ, thoát nước mặt ở ao để ổn định nhiệt độ và ngăn nước mưa chảy xuống ao nuôi. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp khâu thu hoạch nhanh, rút ngắn thời gian lưu bãi và vận chuyển khi đưa ra thị trường. Tại đầm nuôi của gia đình ông Trần Thành Công, đội 1, xã Giao Phong đã áp dụng kỹ thuật nuôi tôm tầng mặt đã cho thu nhập gần 600 triệu đồng/ha, cao hơn 400 triệu đồng so với cách nuôi thông thường. Tại đầm nuôi của gia đình các ông: Trần Văn Tẩy, Cao Văn Tranh, Cao Văn Ba, Cao Văn Đề, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Đan… và nhiều hộ khác đều cho kết quả cao khi áp dụng quy trình mới.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) hướng dẫn các hộ nuôi tôm xã Giao Phong (Giao Thủy) áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt, an toàn dịch bệnh (GAP/CoC).
Ngay trong vụ nuôi xuân hè 2013, nhiều đầm nuôi, tôm chết hàng loạt do mắc bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy nhưng những ao nuôi theo phương pháp mới tôm vẫn phát triển ổn định, năng suất đạt 10 tấn/ha. Đồng chí Trần Ngọc Hải Bình, tác giả của giải pháp công nghệ nuôi tôm tầng mặt qua đông theo quy trình GAP cho biết: Dựa trên nguyên lý, quy trình nuôi và đặc tính của tôm thẻ chân trắng, phương pháp nuôi tôm tầng mặt đã khắc phục được 2 điểm yếu trong nuôi tôm thâm canh của tỉnh ta là: môi trường nuôi bị ô nhiễm, đặc biệt đáy ao nuôi còn tồn dư nhiều tạp chất và không có biện pháp xử lý triệt để, dễ dẫn đến tôm bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt và phương pháp dùng bạt ni-lon ổn định nhiệt độ chống lạnh cho tôm đã tạo hiệu quả cao, giúp người nuôi chủ động trong sản xuất tôm vụ đông. Cùng với áp dụng công nghệ nuôi tôm tầng mặt, Trung tâm Giống hải sản (Sở NN và PTNT) nhân ra diện rộng công nghệ nuôi tôm theo phương pháp chuyển giai đoạn. Theo đó, giải pháp chuyển giai đoạn được thực hiện theo quy trình: thả giống ở cả 3 ao, chế độ quản lý, chăm sóc, sử dụng chế phẩm trong thời gian đầu với tỷ lệ như nhau. Sau 45 ngày tiến hành thu tôm ở ao số 2, số 3 khi đạt trọng lượng 2,5g/con (400 con/kg) để tranh thủ thời điểm giá tôm vụ sớm cao. Sau đó, tiến hành cải tạo ao số 2, số 3 và chọn thời điểm tôm ở ao 1 chuẩn bị lột xác để chuyển sang các ao số 2, 3 đã cải tạo để nuôi giai đoạn 2 (tôm nuôi giai đoạn 1 khoảng 50-55 ngày); tỷ lệ tôm sống đạt 80%, trọng lượng trung bình của tôm to hơn, đạt 25g/con, năng suất đạt 6,2 tấn/ha, cao hơn so với quy trình nuôi khép kín 1,2 tấn/ha. Phương pháp này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm môi trường nuôi bền vững, không gây ô nhiễm đáy ao, rút ngắn thời gian nuôi, tăng hiệu quả sử dụng mặt nước trong nuôi thủy sản và hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình thâm canh, mà còn giải quyết được vấn đề thị trường khi không thu hoạch tôm ồ ạt, đồng loạt, dễ mất giá. Hiện nay, Trung tâm đang thử nghiệm phương pháp nuôi tôm không cho ăn trong thời gian một tháng đầu (tôm ăn thức ăn tự nhiên trong môi trường nước) và mô hình diệt khuẩn ao nuôi bằng công nghệ sinh học; sử dụng công nghệ nano kháng khuẩn trong nuôi tôm công nghiệp để chuyển giao cho các hộ nuôi ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, ngoài việc quy hoạch ổn định vùng nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cơ bản để phát triển nghề nuôi tôm, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Phòng NN và PTNT các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng hỗ trợ hộ nuôi nhân rộng vùng nuôi áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt, an toàn dịch bệnh (GAP/CoC) để tạo vùng nuôi thuỷ sản sạch, khối lượng hàng hoá lớn, an toàn, thân thiện với môi trường. Đây là điều kiện quan trọng trong việc thu hút các cơ quan chuyên ngành đầu tư kinh phí, chuyển giao công nghệ mới phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
thuysandacloc.vn