(Thủy sản Việt Nam) - Tôm thẻ chân trắng (TTCT) ít rủi ro, mang lại lợi nhuận cao nếu trúng mùa được giá. Tuy nhiên, đầu tư đối tượng này chưa bao giờ là dễ dàng khi những cảnh báo về dịch bệnh và giá bấp bênh luôn hiện hữu.
Tôm chết tràn lan
Đến vùng nuôi tôm xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) thời gian này thấy nhiều chòi canh vắng hoe, ao phơi nắng do tôm mới chết bệnh.Toàn xãbị thiệt hại khoảng 90% diện tích đã thả giống; các xã Hiệp Mỹ Tây, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn thiệt hại khoảng 70%. Cả huyện Cầu Ngang 1.870ha tôm chết, thiệt hại hơn 350 tỷ đồng; cả tỉnh Trà Vinh đã thiệt hại gần 5.500ha.
Ở tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước, tôm chết lần hồi khoảng 3.000 ha. Tỉnh Kiên Giang bị dịch bệnh, phải thu hoạch sớmhơn 1.500 ha. Tỉnh Bến Tre, tôm vừa thả nuôi cũng chết nhiều ở các huyện Ba Tri, Bình Đại, khoảng 1.200 ha. Tỉnh Sóc Trăng có hơn 30% diện tích thả giống bị chết hoàn toàn.
Hàng ngàn chòi canh tôm ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vừa xôn xao thả giống, nay vắng vẻ, im lìm. Tôm chết đã gần 2.000 ha và chưa biết bao giờ dừng. Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh Nguyễn Văn Nhiệm buồn bã: “Năm ngoái đã thiệt hại trên 100 tỷ đồng; năm nay các thành viên nuôi kỹ hơn, áp dụng kỹ thuật bài bản đâu vào đó mà tôm vẫn nổi lên chết”.
Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang rất hoang mang vì chưa tìm ra nguyên nhân tôm chết. Ông Lê Văn Năm ở xã Hiệp Mỹ Tây (Cầu Ngang, Trà Vinh) có kinh nghiệm nuôi tôm gần 20 năm, thắng lợi nhiều vụ, đến nay cũng bất lực nhìn hơn 200.000 con tôm giống chết sạch. Ông nói: “Tôi đã làm hết cách mà không cứu được, chấp nhận trắng tay chờ cán bộ kỹ thuật tìm nguyên nhân”. Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Trà Vinh, ông Nguyễn Vũ Phương cũng “mong các nhà chuyên môn kết luận”bởi “cùng một lứa giống nhưng nuôi chỗ chết chỗ không, vậy thực ra tôm chết vì nguyên nhân gì?”.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm thở dài, nuôi tôm ngày càng rủi ro cao, vì quá nhiều yếu tố tác động, cả chủ quan lẫn khách quan: Kiến thức của người nuôi; giống, vật tư nuôi trồng và thuốc thú y; cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, thủy lợi, giao thông); chính sách bảo hiểm; vốn tín dụng.
Giá sụt giảm
Hàng ngàn hộ nuôi TTCT ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đang đứng ngồi không yên vì tôm rớt giá thê thảm, giảm khoảng 40% so với đầu năm.Ông Nguyễn Văn Xiếu ở ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết: Với mức giá hiện nay, trừ chi phí là hòa đến lỗ vốn. “Tôm rớt giá còn khó bán, thương lái hẹn lần hẹn lữa chẳng đến mua”, ông nói.
Bất chấp khuyến cáo, người nuôi TTCT ở ĐBSCL vẫn ồ ạt thu hoạch - Ảnh: Trần Út
Ông Nhiếp Mạnh Tiến nuôi tôm ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) cho biết, thời điểm này, thương lái gộp chung loại 70 - 100 con/kg mua một giá 90.000đồng/kg; không như trước đây, chia ra thành nhiều loại (70, 80, 90, 100 con/kg) với giá chênh nhau hơn 10.000đồng/kg.
Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu) vừa phục hồi sau dịch bệnh tôm sú bằng việc thay thế TTCT, nay TTCT rớt giá, người nuôi đang nghĩ tới việc “treo ao”. Ông Nhiếp Mạnh Tiến cho biết, có 3 ao tôm công nghiệp, vừa thu hoạch ao TTCT, lãi hẻo quá, “tôi ngưng thả giống, thả cua chờ thời”.
Trước tình hình TTCT bất thường giảm giá, Sở NN&PTNT Cà Mau khuyến cáo người nuôi tôm bình tĩnh theo dõi thị trường, hạn chế tối đa việc thu hoạch ồ ạt, tránh giảm giá thêm, thiệt hại cho người nuôi. Nhưng điều này cũng khó với người nuôi. Ông Nguyễn Văn Tuệ ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) nuôi 2 ao TTCT đã hơn 3 tháng, ước được 6 tấn loại 60 con/kg, băn khoăn: Mỗi ngày đêm tôm ăn hết khoảng 6 triệu đồng. Cố vay mượn để cho tôm ăn nhưng không biết giá có lên trở lại không? Với giá trước đây, 2 ao TTCT lãi khoảng 600 triệu đồng;nhưng hiện nay chắc chỉ còn lãi 100 triệu đồng, kéo dài thêm sợ lỗ.