Chọn và chuẩn bị ao ương
Chọn ao ương: Khi ương nên chọn ao đáy cát, pha cát, đáy không bị nhiễm phèn. Diện tích ao từ 200-500 m2, ao có hình chữ nhật, chiều dài gấp 2-3 lần chiều rộng. Bờ ao chắc chắn không rò rỉ. Ao có thể tháo cạn nước, đáy ao bằng phẳng để dễ thu hoạch. Cống cấp thoát nước chắc chắn. Nước ao ương có độ mặn từ 10-25‰, mức nước trong ao từ 50-80 cm.
Chuẩn bị ao: Tháo cạn nước, dọn cỏ sạch, rác. Gia cố bờ ao, cống. Tẩy ao bằng vôi, rải đều vôi ở đáy ao, liều lượng từ 10-15 kg/100m2.
Phơi ao 2-3 ngày, diệt cá dữ, cá tạp bằng Rotinol với lượng 0,5-1 kg/100 m2, rải đều phân chuồng đã ủ kỹ 30-40 kg/100 m2, đạm 0,1-0,2 kg/100 m2, lân 1-2 kg/100m2.
Lấy nước vào ao trước khi ương 2-4 ngày, lọc kỹ nước qua túi lọc nhiều lớp nước để ngăn chặn sự xâm nhập của địch hại. Mực nước ban đầu khoảng 40-50 cm, sau đó nâng dần lên.
Cần đảm bảo lượng ôxy đầy đủ cho ao ương tôm
Thả tôm bột
Tôm bột từ Pl 12-Pl 15 thả vào ương là thích hợp nhất. Việc xác định tuổi tôm bột là rất khó, nên phải đo kích thước. Nếu tôm cỡ 0,9-1,1 cm là được.
Kiểm tra số lượng tôm: Đếm số lượng tôm ở 3-5 bao tôm giống bất kỳ rồi tính số lượng trung bình trong mỗi bao rồi nhân với tổng số bao sẽ ra tổng số tôm giống. Việc biết chính xác số lượng tôm giống sẽ giúp cho việc quản lý sau này hiệu quả hơn.
Kiểm tra chất lượng tôm: Tôm phải khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, bơi lội linh hoạt, kích thước đồng đều. Tôm không có dấu hiệu mắc bệnh hoặc dị hình, đặc biệt là chỉ mua tôm giống đã qua kiểm dịch.
Thuần độ mặn: Độ mặn của tôm trong trại giống thường cao hơn trong ao ương. Do vậy, các chủ ao thường báo trước cho trại giống để hạ độ mặn cho phù hợp. Tuy nhiên, khi thả giống cần phải kiểm tra lại độ mặn để xác định độ chênh lệch. Nếu độ mặn chênh lệch >3‰ thì cho thêm nước vào ao tôm và cứ 30 phút giảm độ muối 2-3‰
Thuần nhiệt độ: Thuần nhiệt độ bằng cách thả các túi chứa tôm xuống ao từ 15-20 phút rồi mới thả tôm ra. Nếu thấy tôm bơi tản ra, hoạt động bình thường là được.
Mật độ và thời gian thả tôm: Tôm bột thả ương với mật độ từ 100-200 con/m2. Nên thả tôm vào lúc sáng hoặc chiều khi trời mát mẻ. Tránh thả tôm những ngày mưa, gió hoặc nắng to, nước ao bị nóng.
Quản lý và chăm sóc ao ương
Tôm bột còn nhỏ, yếu, khả năng chủ động bắt mồi kém, cần cho ăn thức ăn cỡ nhỏ và chất lượng cao.
Số lần cho ăn: Ngày cho ăn 4-5 lần, chia đều cho khoảng thời gian từ 5h sáng đến 21h tối.
Loại thức ăn: Trong 5 ngày đầu mới thả có thể cho tôm ăn bằng lòng đỏ trứng gà luộc chín phối hợp với tôm, cá nhuyễn thể, cũng có thể phối hợp với bột đậu tương và bột moi. Sau 5 ngày trong khẩu phần ăn của tôm chỉ tăng lượng tôm cá, không cho ăn trứng.
Lượng thức ăn: Trong 5 ngày đầu cho tôm ăn từ 2-3 lòng đỏ trứng gà (vịt) phối hợp với 1-1,2 kg tôm cá hoặc nhuyễn thể/500 m2 ao. Cũng có thể cho ăn 2-3 lòng đỏ trứng + 0,5 kg bột đậu tương + bột moi (tỷ lệ bột đậu tương/bột moi là 1/1). Trong tuần tiếp theo chỉ cần, cá, tôm, nhuyễn thể với số lượng 1,3-1,5 kg/500 m2 ao. Sau đó mỗi tuần tăng lên 15-20%.
Cách chế biến thức ăn: trứng gà luộc kỹ, lấy lòng đỏ nghiền nhỏ hòa tan trong nước. Cá, tôm, nhuyễn thể nấu chín rồi nghiền thật nhỏ. Đậu tương rang chín, xay nhỏ. Moi phơi khô, xay nhỏ. Các loại thức ăn này trộn lẫn với nhau trước khi cho ăn.
Cách cho ăn: Hòa loãng thức ăn, té đều khắp diện tích ao.
Chăm sóc ao ương: Trong vòng 5-7 ngày đầu không cần thay nước. Kết hợp với việc thay nước phải nâng dần mực nước lên. Cần kiểm tra chất lượng nước và đảm bảo các yếu tố thủy lý thủy hóa trong ao.
Lưu ý: Có thể rắc vôi bột ở bờ ao để tránh pH nước ao hạ thấp khi trời mưa; có thể thả trà để tôm bám. Nếu sau 1 tuần tôm đạt cỡ 1,5-1,7 cm, sau 2 tuần tôm đạt cỡ 2-2,5 cm, sau 3 tuần tôm đạt cỡ 3-3,5 cm là tôm sinh trưởng tốt.
Thu hoạch
Sau 3 tuần ương nên thu hoạch để chuyển sang nuôi thương phẩm. Trước khi thu hoạch 3-4 ngày có thể luyện tôm bằng phương pháp quấy dẻo, sục bùn ngày 10-20 phút.
Nguồn: thuysandacloc.vn