Năm nay, người nuôi tôm Việt Nam điêu đứng vì dịch bệnh và giá tôm sụt giảm thê thảm; một trong các nguyên nhân được cho là do các doanh nghiệp chế biến nhập khẩu lượng lớn tôm nguyên liệu, đặc biệt đúng thời điểm thu hoạch trong nước. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Đúng là dịch bệnh trên tôm đang khiến người dân điêu đứng, nhưng nếu nói giá
tôm sụt giảm nghiêm trọng (chỉ còn bằng già nửa so với mức cao nhất năm ngoái -
PV) thì e nặng quá. Nếu do nhập khẩu lượng nguyên liệu lớn thì lượng tôm trong
nước phải dư ra; nhưng đến nay, cộng cả vào thì các doanh nghiệp chế biến xuất
khẩu vẫn thiếu nguyên liệu, thậm chí nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng.
Giá tôm như vậy, theo tôi, do nhiều yếu tố: doanh nghiệp thiếu vốn để thu mua và
sản xuất; kinh tế thế giới suy giảm; biến động thị trường... Thêm nữa, giá tôm
nguyên liệu trong nước vẫn cao hơn nhiều nước, điển hình là Thái Lan, giá tôm
nguyên liệu của ta cao hơn họ khoảng 2 USD/kg.
Các doanh nghiệp chế biến tôm đã chủ động nhập để bù đắp lượng nguyên liệu thiếu hụt trong thời gian qua |
Tình trạng nhập khẩu này là do các nguyên nhân nào, thưa ông?
Việc nhập khẩu này đã giúp doanh nghiệp bù đắp được lượng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng trong nước thời gian qua, đảm bảo hoạt động của nhà máy, đồng nghĩa duy trì lực lượng lao động, ổn định công ăn việc làm cho họ, doanh nghiệp tránh rơi vào thảm cảnh là đóng cửa vì thiếu đầu vào, và nhất là duy trì thị phần xuất khẩu tại các thị trường.
Trong khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, doanh nghiệp gặp khó bị cạnh tranh khốc liệt thì doanh nghiệp buộc phải tìm đến nguồn nguyên liệu rẻ hơn, để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu này được cho là có thể phá vỡ “liên kết 4 nhà” và xa hơn là các doanh nghiệp sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng nguyên liệu chế biến. Điều này có làm khó cho xuất khẩu tôm hiện nay không, thưa ông?
Nói “sẽ khiến phá vỡ liên kết 4 nhà” thì nghiêm trọng quá. Đây là điều không ai mong muốn. Vả lại dù thế nào thì các doanh nghiệp vẫn phải gắn liền với người nuôi.
Tuy nhiên, từ cái khó này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Những biến động trong thời gian qua đã giúp kiểm chứng được tính bền vững của nghề nuôi tôm hiện nay. Nó đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt vấn đề con giống, các yếu tố đầu vào khác, nhằm đảm bảo sản xuất ổn định hơn, năng suất tốt hơn, giá thành thấp hơn và theo kịp công nghệ sản xuất, kỹ thuật hiện đại. Tất cả điều này sẽ đảm bảo bền vững cho người nuôi và hoạt động lâu dài của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Theo ông, khó khăn nhất đối với ngành tôm nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng hiện nay là gì?
Cái khó của ngành tôm hiện nay đầu tiên là vấn đề dịch bệnh, chúng ta phải tập trung giải quyết dứt điểm nhanh theo hướng bền vững. Dịch bệnh tràn lan khiến tôm chết nhiều, giá thức ăn và chi phí đầu vào cao đẩy giá thành lên cao, khiến rất khó tránh rủi ro. Điều này ít nhiều gây khó cho doanh nghiệp và buộc doanh nghiệp phải tính đến những yếu tố thuận lợi cho sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh thị trường cạnh tranh mạnh như hiện nay. Về lâu dài, doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Trước mắt, chúng ta phải tiếp tục tập trung nhận định vấn đề nào cần giải quyết. Để ngành tôm phát triển bền vững, phải đặc biệt lưu ý đối phó dịch bệnh, các vấn đề môi trường, hóa chất, kháng sinh trong thức ăn và thuốc thú y thủy sản, và cao hơn nữa là giải quyết vấn đề quy hoạch.
Với những gì đã và đang diễn ra, xuất khẩu tôm của cả nước năm nay liệu có cán đích không, thưa ông?
Với tình trạng chung như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh nguyên liệu trong nước được dự báo còn nhiều khó khăn, thì khó khẳng định “xuất khẩu tôm có cán đích hay không”. Hơn nữa, xuất khẩu năm nay lại vướng vào vấn đề Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, từ những gì đã đạt được, với sự nỗ lực của doanh nghiệp và người nuôi, chúng ta vẫn hy vọng ngành tôm sẽ đạt được kết quả như mong đợi.